Tin thị trường

SHARE

5 yếu tố chính ảnh hưởng đến thị trường FMCG Việt Nam năm 2023

21/04/2023

Thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) Việt Nam đang phát triển nhanh chóng với hàng loạt sản phẩm mới được tung ra từng ngày, từng giờ, công nghệ mới và ngay cả sở thích của người tiêu dùng cũng ngày càng phức tạp hơn.

Theo báo cáo của Kanta Worldpanel - Năm 2022, ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng 5% ở 4 thành phố trọng điểm và 11% ở nông thôn, chủ yếu do giá cả tăng. Trong môi trường kinh tế toàn cầu hiện nay, áp lực lạm phát ở Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Tuy vậy, bất chấp những cơn gió ngược chiều từ lạm phát toàn cầu, Kantar cho rằng Việt Nam vẫn là một thị trường đầy hứa hẹn với tốc độ tăng trưởng GDP mạnh mẽ là 8,02% vào năm 2022, cao nhất so với bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào. Đến năm 2030, Việt Nam dự kiến sẽ là thị trường tiêu dùng lớn thứ mười thế giới.

Và để duy trì tính cạnh tranh, các thương hiệu phải nắm bắt được những ưu tiên của người tiêu dùng cũng như tầm quan trọng của từng danh mục FMCG đối với chi tiêu và quyết định mua hàng của người tiêu dùng trong giai đoạn này. Từ đó, Kanta xác định 5 yếu tố sẽ định hình thị trường FMCG tại Việt Nam trong năm 2023:       

Tăng trưởng FMCG chững lại

Trong năm 2022, việc tăng giá đã thúc đẩy tăng trưởng giá trị hàng tiêu dùng nhanh trong khi lượng tiêu thụ ở 4 thành phố trọng điểm không đổi. Khu vực nông thôn cho thấy những dấu hiệu hứa hẹn khi khối lượng hàng tiêu dung nhanh tăng sau một thời gian trì trệ vào năm 2021.

Suy thoái kinh tế toàn cầu: sẽ tồi tệ hơn trước khi trở nên tốt hơn

Nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại trước khi hồi phục vào năm 2024. Đầu năm 2023, với việc Trung Quốc mở cửa trở lại và nhu cầu phục hồi từ EU, IMF đã nâng dự báo GDP toàn cầu năm 2023 từ 2,7% lên 2,9%, mặc dù đây vẫn là mức tăng trương chậm hơn so với của năm ngoái.

Sự lên ngôi của mua sắm trực tuyến

Trong năm 2022, mua sắm trực tuyến bao gồm Thương mại điện tử (eCommerce) và Thương mại xã hội (Social commerce) tiếp tục tăng trưởng hai chữ số nhờ người dùng tăng tần suất mua sắm và chi tiêu so với năm 2021. Sự xuất hiện của cửa hàng TikTok Shop đã giúp người tiêu dùng tiếp cận với các thương hiệu mới/thương hiệu nhỏ dễ dàng hơn. Trong năm nay, xu hướng mua sắm tích hợp giải trí, cùng với các công nghệ nâng cao trải nghiệm mua sắm trực tuyến như công nghệ thực tế ảo, mô hình O2O (online to offline) sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của kênh mua sắm online.

Sức khỏe là động lực quan trọng khi chọn mua sản phẩm

Theo Kanta, sức khỏe là yếu tố chính thúc đẩy người tiêu dùng mua hàng FMCG. Kể từ sau đại dịch, việc sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm mang lại lợi ích sức khỏe hoặc phù hợp với mục tiêu sức khỏe (chế độ ăn lành mạnh hơn, giảm chất béo, sản phẩm không đường) đã trở nên được ưu tiên. Khảo sát thực hiện cuối năm 2022 của Kantar cho thấy 85% người tham gia sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm tốt cho sức khỏe hơn; 87% đọc thông tin trên bao bì sản phẩm để tránh mua phải những loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, các động lực sức khỏe theo từng nhóm tuổi sẽ có sự khác biệt; trong đó Gen X (45-60 tuổi) quan tâm đến vấn đề tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng; Millennials (25-44 tuổi) là thải độc và làm đẹp da còn Gen Z (13-24 tuổi) là đẹp da và tiêu hóa tốt.

Động lực cho lối sống bền vững

Chủ đề về “tính bền vững” đang trở lại vị trí hàng đầu trong các cuộc thảo luận giữa các doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách và người tiêu dùng tại Việt Nam. Theo Kantar, các thương hiệu FMCG cần nắm bắt cơ hội này để giúp người tiêu dùng biến mong muốn thành hành động. Bằng cách tập trung vào các hoạt động thân thiện với môi trường và các giải pháp đóng gói bền vững, các công ty có thể tạo sự khác biệt trên thị trường và thu hút người tiêu dùng ngày càng có ý thức về môi trường.

(Nguồn: Kanta Worldpanel 2023)