Tin thị trường

SHARE

Cú trở mình của ngành bán lẻ: Thích ứng với bối cảnh kinh doanh năng động

03/10/2023

Sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng hậu Covid: Giảm tần suất mua sắm nhưng tăng giá trị đơn hàng

Một trong những thay đổi đáng chú ý trong hành vi của người tiêu dùng hậu Covid chính là tần suất mua sắm giảm. Xu hướng này đã tồn tại trước Covid nhưng ngày càng gia tăng trong thời gian hạn chế xã hội và duy trì sau Covid. Hơn nữa, điều này không chỉ xảy ra ở khu vực thành thị mà còn ở khu vực nông thôn, cho thấy sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng trên toàn quốc. Khi lối sống trở nên bận rộn hơn, người tiêu dùng đang tối ưu hóa thói quen của mình bằng cách mua sắm ít thường xuyên hơn và chỉ tập trung vào những sản phẩm thiết yếu.

Điều này vừa là thách thức vừa là cơ hội đối với các nhà bán lẻ. Trong khi việc giảm lượng khách hàng ghé thăm đặt ra những thách thức, các nhà bán lẻ có thể tận dụng xu hướng này bằng cách tập trung vào việc nâng cao trải nghiệm mua sắm tổng thể, đảm bảo mỗi lần ghé thăm đều có giá trị và đáng nhớ.

Bối cảnh tổng thể ngành bán lẻ

Trong 05 năm vừa qua, xu hướng bán lẻ ở Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực thành thị, đã chứng kiến những thay đổi đáng kể. Các kênh truyền thống như cửa hàng ven đường, chợ tươi sống và các cửa hàng thương mại tổng hợp sụt giảm mạnh doanh thu, mở đường cho sự phát triển của nền tảng thương mại và trực tuyến hiện đại.

Một bước phát triển đáng chú ý là sự gia tăng ấn tượng của bán lẻ trực tuyến, với mức độ thâm nhập tăng từ 2% năm 2018 lên 7% vào năm 2023. Trong lĩnh vực Thương mại hiện đại (MT), một số kênh đã nổi lên dẫn đầu về tăng trưởng, bao gồm siêu thị nhỏ (Mini Markets và cửa hàng chuyên biệt (Specialty Stores) tập trung vào sản phẩm mẹ và bé hoặc các ngành hàng sức khỏe và làm đẹp, cũng như các cửa hàng dược phẩm.

Ngược lại, ở khu vực nông thôn, Thương mại tổng hợp (GT) vẫn chiếm ưu thế, trong đó các kênh truyền thống vẫn đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, có sự thay đổi dần dần trong sở thích tiêu dùng, với các nền tảng thương mại và trực tuyến hiện đại đang thu hút được sự chú ý, mặc dù mới chỉ phát triển ở quy mô nhỏ. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng và chuyển đổi sẽ còn phát triển mạnh trong toàn ngành bán lẻ trên khắp Việt Nam khi người tiêu dùng ở cả thành thị và nông thôn ngày càng ưa chuộng các hình thức bán lẻ hiện đại và các lựa chọn mua sắm trực tuyến.

Những hành vi tiêu dùng nổi bật định hình lại xu hướng ngành bán lẻ

1. Người tiêu dùng ngày một thông thái và khắt khe hơn trong những sự lựa chọn

Khi nói đến trải nghiệm mua sắm, người tiêu dùng hiện nay có xu hướng kỳ vọng cao hơn vào sản phẩm. Tuy nhiên, người mua sắm ở nông thôn và thành thị vẫn có những lý do tác động khác nhau khi lựa chọn địa điểm mua sắm. Ở khu vực thành thị, họ thường ưu tiên các yếu tố như chủng loại sản phẩm, khả năng tiếp cận và cách bài trí bên trong cửa hàng. Ở khu vực nông thôn, khách hàng sẽ tìm kiếm các cửa hàng có nhiều sản phẩm mới.

Hơn nữa, quá trình ra quyết định của người mua hàng cũng mất nhiều thời gian hơn vì giờ đây họ tìm hiểu rất kỹ sản phẩm trước khi mua. Để đáp ứng những nhu cầu này, các nhà bán lẻ trực tuyến và truyền thống cũng đang đầu tư vào việc xây dựng nguồn thông tin sản phẩm phong phú, bao gồm: thành phần, nguồn gốc, giá cả, chương trình khuyến mãi và các ấn phẩm số khác.

2. Khách hàng không còn quá trung thành với một thương hiệu

Lòng trung thành của người tiêu dùng đối với một cửa hàng, một thương hiệu đã dần bị mai một. Người mua hàng không chỉ mua sắm tất cả mọi thứ ở một nơi nữa mà chọn lọc nơi phân phối để mua từng sản phẩm khác nhau. Với sự gia nhập thị trường của những ông lớn nước ngoài, người mua đang được trải nghiệm mua hàng đa kênh, điều này dẫn đến sự suy giảm vị thế thống trị của các nhà bán lẻ MT hàng đầu. Sự cạnh tranh khốc liệt cuốn theo cả những nhà bán lẻ MT mới nổi, nền tảng thương mại điện tử và các cửa hàng chuyên biệt.

3. Sự bùng nổ những trải nghiệm mới

Mua sắm trực tuyến không còn chỉ là một xu hướng, mà đã trở thành điều tất yếu khách hàng được trải nghiệm trong quá trình mua.

Thương mại điện tử đã thực sự bùng nổ sau đại dịch, tỷ lệ t mua sắm trực tuyến đã lên tới 50% ở thành thị và đang trên đà tăng trưởng theo cấp số nhân ở các khu vực nông thôn, kèm theo đó là tần suất mua sắm ngày càng tăng trên đa nền tảng.

Khi người tiêu dùng Việt Nam trở nên sành sỏi và cởi mở hơn với những trải nghiệm mới, các thương hiệu, nhà bán lẻ và những đơn vị phân phối như Phú Thái không chỉ phải đáp ứng nhu cầu trước mắt của họ mà còn phải tạo ra những trải nghiệm cộng hưởng sâu sắc hơn về sau.

Bằng cách điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp với hành vi của người tiêu dùng, tối ưu hóa việc cung cấp sản phẩm và nâng tầm trải nghiệm khách hàng cho nền tảng đa kênh, các nhà bán lẻ không chỉ có thể vượt qua những thách thức của sự thay đổi mà còn trở thành người dẫn đầu trong bối cảnh thị trường chung đang có sự dịch chuyển.

(Nguồn: Kanta Worldpanel 2023)